Ngoài vụ án tại Bộ Y tế,ụcngãtrướccámdỗvậtchấchewy junior Bộ KH-CN và Hải Dương với 58 bị can, trong đó có 3 ủy viên T.Ư Đảng, 15 vụ án khác liên quan tới kit xét nghiệm Công ty Việt Á cùng một hành vi phạm tội cũng đang được cơ quan chức năng điều tra với hàng trăm bị can đều là cán bộ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương.
Một bộ phận không nhỏ
Ông Vũ Trọng Kim, người từng 3 nhiệm kỳ ủy viên T.Ư từ khóa IX đến khóa XI, nay là Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi nói về đại án Công ty Việt Á đã phải thốt lên: "Quà cảm ơn gì mà nhiều thế? Gợi ý đến hai ba lần để lấy về hàng triệu đô la. Trời ơi… Như thế có phải vào T.Ư, rồi làm bộ trưởng, vào cơ quan nhà nước để ăn hối lộ hay không? Có phải mục đích của những người này là như thế không?".
Thực tế không phải đến vụ Công ty Việt Á mới có chuyện cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản bội lời thề với Đảng. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người từng tham gia Tổ biên tập văn kiện tại nhiều kỳ Đại hội Đảng, kể công cuộc đổi mới từ Đại hội VI (năm 1986) thì đến Đại hội VII (năm 1991) trong báo cáo chính trị đã có "một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất". Đến Đại hội VIII (năm 1996) thì từ "một số" đã trở thành "một bộ phận" và chỉ 5 năm sau, tại báo cáo chính trị Đại hội IX (năm 2001) đã trở thành "một bộ phận không nhỏ".
"Tại sao như vậy? Tại sao có khuynh hướng ngày càng tăng như thế? Nó tăng cả về số người, cả về cấp bậc", ông Túc băn khoăn. Ông cho biết nếu như tại Đại hội VII, tham nhũng chỉ xảy ra ở những ngành nhạy cảm như hải quan, thuế vụ thì đến Đại hội IX đã "lan" đến Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính T.Ư và đến Đại hội X thì đã có những ủy viên T.Ư bị xử lý do tham nhũng, tiêu cực.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng đã được Đảng khởi xướng từ lâu. Nhưng khi phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt thì tham nhũng, tiêu cực cũng trở nên tinh vi, thủ đoạn phức tạp hơn. Ủy ban Tư pháp, trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng mới đây, nhấn mạnh: "Nhiều trường hợp người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi". Song đáng lưu ý hơn là hành vi phạm tội đã đi đến bản chất của tham nhũng: thông đồng, ăn chia và nhận hối lộ.
Những con số "hết sức đau lòng"
Theo thống kê, năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng tới 71,6% về số vụ, tăng 116,7% về số đối tượng; số đối tượng nhận hối lộ phát hiện tăng tới 312,5% so với 2022.
Ông Vũ Trọng Kim nói đó là những con số "hết sức đau lòng". Không chỉ số quan chức nhận hối lộ, số tiền nhận hối lộ cũng liên tục phá các kỷ lục của lịch sử tư pháp Việt Nam. Trong các vụ "chuyến bay giải cứu" và Công ty Việt Á vừa qua, số tiền nhận hối lộ đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long mỗi lần yêu cầu Phan Quốc Việt chi tiền đều đòi tới cả triệu USD. Còn Phạm Trung Kiên trong vụ án chuyến bay giải cứu, một công chức bình thường, làm thư ký cho thứ trưởng Bộ Y tế nhưng cũng hàng trăm lần nhận hối lộ với số tiền lên tới hơn 40 tỉ đồng - số tiền bằng cả gia tài nhiều người mơ ước.
"Có phải đây là vùng cấm trước đây không sờ vào, những đối tượng ngoại lệ không dám đụng, bây giờ dám đụng nên lòi ra nhiều thế này?… Trước ẩn nấp kỹ quá, bây giờ vào tận hang ổ thì chúng ta thấy nhiều quá", ông Vũ Trọng Kim băn khoăn.
Ông Nguyễn Túc lý giải, trước đây, chuyện đảng viên đi trước, làng nước theo sau, đảng viên phải khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ là chuyện rất bình thường. Tòng quân thì con cán bộ, đảng viên phải đi trước, con ủy viên T.Ư, Bộ Chính trị càng phải đi. Mỗi cán bộ, đảng viên khi bước chân vào Đảng đều thực sự vì yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phấn đấu trở thành một người cộng sản đích thực. "Thời bấy giờ cho nhau bao thuốc lá thôi còn không dám nhận, chứ đừng nói là tiền", ông Túc nói.
Nhưng khi đất nước đổi mới với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần thì thu nhập, mức sống và sau đó là cả suy nghĩ cũng bắt đầu khác nhau.
"Trong điều kiện kinh tế thị trường không còn kìm hãm được những phức tạp, tiêu cực, những mặt trái của cơ chế thị trường. Trong điều kiện đó, để cán bộ tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện để có thể đứng vững trước những cám dỗ của quyền lực, vật chất là điều không dễ chút nào", ông Túc đúc kết.
Ngay như cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, là đồng hương tỉnh Hải Hưng, ông Túc nói ông biết Phạm Xuân Thăng từ khi còn là cán bộ trẻ, sau đó còn tham gia ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cùng ông. "Phải nói Thăng là một cán bộ gương mẫu, được dân quý lắm. Nhưng ai có ngờ sau khi làm bí thư, quyền lực trong tay thì thành như thế", ông Túc nói và cho biết ông còn viết thư cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để "nói đỡ" cho Phạm Xuân Thăng, chỉ đến khi biết rằng cựu Bí thư Tỉnh ủy nhận hàng tỉ đồng tiền hối lộ, hoa hồng ông mới ngã ngửa ngậm ngùi: "Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người ai dễ mà đo cho cùng".
Còn ông Vũ Trọng Kim nói: "Qua vụ Công ty Việt Á và chuyến bay giải cứu, bài học rút ra cho nhà lãnh đạo, quản lý là khi niềm tin sụp đổ thì vạn lời nói đều vô nghĩa. Chúng ta phải thấm thía điều đó để quản trị đất nước, nếu không thì gay"...
(còn tiếp)